Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần vào hồi 13h38 ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi.
Tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đồng chí Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
- Ngày sinh: 14-4-1944
- Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội
- Dân tộc: Kinh
- Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp
- Trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học chuyên ngành Xây dựng Đảng, Cử nhân Ngữ văn
- Ngày vào Đảng: 19-12-1967
- Ngày chính thức: 19-12-1968
Các chức vụ
- Tổng Bí thư khóa XI, XII, XIII.
- Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII
- Thường trực Bộ Chính trị (từ tháng 8-1999 đến 4-2001)
- Ủy viên trung ương đảng khóa VII (từ tháng 1-1994)
- Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 10 năm 2018)
- Chủ tịch Quốc hội khóa XI, khóa XII
- Bí thư quân ủy trung ương.
- Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
- Đại biểu quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, XV
Tóm tắt quá trình công tác
- 1957 – 1963: Học trường Phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.
- 1963 – 1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
- 12/1967 – 7/1968: Cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
- 7/1968 – 8/1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng Tạp chí Cộng sản. Đi thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971). Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969 – 1973).
- 8/1973 – 4/1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chi Uỷ viên.
- 5/1976 – 8/1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ.
- 9/1980 – 8/1981: Học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc
- 9/1981 – 7/1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
- 8/1983 – 2/1989: Phó ban Xây dựng Đảng (10/1983), Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản (9/1987); Phó Bí thư Đảng uỷ (7/1985 – 12/1988) rồi Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Tạp chí Cộng sản (12/1988 – 12/1991).
- 3/1989 – 8/1996: Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (đến tháng 7/1991); Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản ( đến tháng 8/1996).
- 01/1994 đến nay: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
- 8/1996 – 02/1998: Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
- 12/1997 đến nay: Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
- 02/1998 – 01/2000: Phụ trách công tác tư tưởng – văn hoá và khoa giáo của Đảng.
- 8/1999 – 4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.
- 3/1998 – 8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998 – 11/2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001 – 8/2006).
- 01/2000 – 6/2006: Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV.
- 5/2002 – 06/2021: Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV.
- 6/2006 – 7/2011: Chủ tịch Quốc hội khoá XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
- 01/2011 đến nay: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương.
- 02/2013 đến nay: Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
- 08/2016 đến nay: Tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
- 10/2018 – 04/2021: Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
- 2019-2022: Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- 2/2023: Được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng.
- 18/7/2024: Được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vì có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/7/2024 tại Hà Nội./.
Những hình ảnh đẹp của bác Nguyễn Phú Trọng
Những câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất.”
“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.”
“Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào’.”
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được.”
“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm ‘nản chí’, ‘chùn bước’, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm ‘chùn bước’ những ai có động cơ không trong sáng, đã trót ‘nhúng chàm’ và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm.”
“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/7/2024 tại Hà Nội. Sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bác đã để lại một di sản vô cùng quan trọng và sâu sắc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong suốt nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, sự cống hiến của bác chính là nguồn cảm hứng và động lực to lớn cho các thế hệ sau tiếp tục phấn đấu và phát triển đất nước.