Trong thời đại này, con người – đặc biệt là thế hệ gen Z đang phải “đầu tắt mặt tối” với công việc, theo đuổi những thứ phù phiếm, xa vời để đáp ứng được nhu cầu cá nhân của họ mà quên mất đi rằng đâu đó ở nơi “chôn rau cắt rốn” vẫn có một thứ đang lo lắng, sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón họ trở về, đó là “gia đình”!
Gia đình không chỉ là một cộng đồng sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm mà nó còn là một cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của con người từ lúc cất tiếng khóc chào đời, là nơi luôn chấp nhận những sai lầm của tuổi trẻ, là nơi mà con người ta luôn sẵn lòng san sẻ những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, hầu hết chúng ta chỉ có vỏn vẹn một nơi để trở về – “gia đình”.
Khi trưởng thành, người ta luôn muốn bay thật xa, đi đến những chân trời mới, những đất nước xa lạ để mưu sinh, bán sức lao động đổi lấy vật chất. Họ phải đi kiếm đồng tiền, cho thôi ngày sau bần tiện. Âu cũng là vì kế sinh nhai, thế nhưng có người thì vất vả trong nước, có người lại bon chen nơi đất khách, đổ từng giọt mồ hôi để có được những thứ bản thân mong cầu. Nhưng họ không nghĩ rằng đâu đó trong đêm dài vắng lặng, có những người không muốn họ đi, không muốn họ vất vả, cơ cực, thế nhưng vì đồng tiền, họ buộc phải như thế!
Theo quan điểm cá nhân tôi, họ đáng thương hơn là đáng trách. Những người con tha phương cầu thực, một năm ròng rã làm việc thế nhưng khi kết Tết đến, họ lại không thể trở về gia đình, chỉ được đón Tết qua “mạng wi-fi”, gửi bao nhiêu tâm tư, nhớ nhung qua màn hình của các thiết bị công nghệ cao. Vì lý do công việc và những khác biệt về văn hóa, dân tộc, họ phải đón một cái tết xa nhà. Ở nơi đó không có tiếng la của mẹ, tiếng mắng của cha, cũng không có quà, có mứt. Nhưng không vì thế mà “những người con” ấy lại phớt lờ đi lễ hội truyền thống lâu đời của dân tộc. Họ vẫn sẵn sàng chi tiền để mua những vật phẩm cúng, trang trí trong ngày tết của quê hương để điểm trang cho nơi mà họ đang sinh sống. Cứ vào những dịp lễ ấy, khi đi qua những cửa hàng bán đồ Việt Nam, thấy người ta dọn dẹp nhà cửa, trưng hoa mai hoa đào, mở nhạc Tết linh đình, họ lại nhớ nhà khôn xiết.
Những khoảnh khắc tưởng chừng như vô vị nhưng khi ta rời xa nó mới cảm nhận được tầm quan trọng của nó. Cũng là lúc khiến cho con ngườ ta cảm nhận rõ hai chữ “gia đình” ý nghĩa như thế nào. Bữa cơm xứ người có đầy đủ như thế nào, cũng không bằng chén cơm mẹ nấu. Món quà đắt tiền như thế nào cũng không bằng viên kẹo cha cho. Có lẽ, ở nơi xứ người, thứ mà họ – những người con xa quê mong chờ nhất bây giờ không còn là danh vọng, sự nghiệp nữa, mà đó chỉ đơn giản là “gia đình” mà thôi! Dòng người tấp nập, ồ ạt, những ánh đèn lấp lánh của nơi phồn hoa đô thị, nhưng không có nổi một ánh đèn nào chờ họ trở về như ở nhà.
Có lẽ đối với những người khác, vali đầy ắp những đồ dùng, những món quà tết mang về quê để biếu bà con, hàng xóm. Còn đối với họ, vali của họ đầy ắp những nỗi niềm nhớ quê hương, nhớ gia đình tha thiết. Mặc dù vậy, học tập và làm việc xa nhà cũng là một quá trình giúp chúng ta có thể rèn luyện bản thân nhiều hơn, giúp ta có thể trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn khi đối diện với các thử thách ngoài kia. Với nhiều trải nghiệm đầy những niềm vui và nỗi buồn. Đi xa đến đâu, trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại linh hồn của quê hương, của gia đình. Tuổi trẻ còn dài, cho dù có bận đến mấy, hãy dành ra thời gian để quay trở về mái ấm của mình, hãy trân trọng từng khoảnh khắc ấy. Mặc vấp ngã hay thành công, hãy quay trở về vì “gia đình” luôn là nơi để về.