Natri là chất điện giải hỗ trợ điều chỉnh lượng nước và các chất khác trong tế bào của bạn. Hầu hết mọi người chỉ quan tâm khi nồng độ natri trong máu tăng cao. Thế nhưng, nếu bạn đang gặp tình trạng hạ natri máu, hay còn gọi là hạ natri huyết thì cũng đừng xem thường nhé. Bài viết này chia sẻ đến bạn một số điều cần biết về tình trạng rối loạn điện giải này.
1. Hạ natri máu là gì
Nồng độ natri trong máu được đánh giá là bình thường khi ở mức 135 – 145 mmol/l. Bất kì khi nào với bất kì lý do gì, nếu nồng độ trong cơ thể nằm dưới 135 mmol/l thì bạn đang gặp tình trạng hạ natri máu.
Theo các chuyên gia từ Viện Y tế Quốc gia (NIH), Vương quốc Anh, nếu nồng độ natri quá thấp diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.
2. Những biểu hiện thường gặp
Bạn đang nghi ngờ bản thân có đang mắc phải tình trạng này không? Sau đây là một số biểu hiện, và nếu bạn gặp nhiều hơn ba triệu chứng cùng lúc thì hãy thực hiện kiểm tra ngay nhé.
- Đau đầu
- Buồn nôn, mệt mỏi
- Tâm trạng bồn chồn, căng thẳng hay cáu kỉnh
- Thường xuyên mỏi cơ, chuột rút hay co giật
- Có thể hôn mê, mất ý thức
- …
3. Các biến chứng có thể xảy ra khi nồng độ natri trong máu quá thấp
Nồng độ natri giảm chậm trong 48 giờ hoặc hơn có thể gây ra một số biến chứng trong não của bạn. Thậm chí, nó làm sưng não nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được điều trị.
Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh dường như dễ bị tổn thương não nhất do hạ natri huyết. Theo các cơ quan y tế hàng đầu, điều này có thể liên quan việc các hormone nữ ảnh hưởng đến khả năng duy trì lượng muối ổn định trong cơ thể.
4. Các cách tự nhiên giúp ổn định nồng độ natri trong máu
Như những tình trạng bệnh khác, việc điều trị cụ thể cần dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, bằng một số cách tự nhiên, bạn vẫn có thể ổn định được nồng độ natri trong máu, hạn chế tình trạng hạ natri huyết như:
Sử dụng các thực phẩm giàu natri
Vì natri chịu trách nhiệm kiểm soát chất lỏng cơ thể, lượng máu và huyết áp, đó là lý do phải kiểm soát mức natri của bạn. Một cách đơn giản để làm điều đó là hãy ăn thực phẩm giàu natri. Pho mát, các sản phẩm từ sữa, hải sản, củ cải đường, cà rốt và cần tây là một số thực phẩm gợi ý tốt nhất cho cách này.
Tăng lượng muối ăn nạp vào cơ thể
Muối là một nguồn natri mà bạn có thể đưa vào chế độ ăn uống của mình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ của bạn nên dưới 5 gam mỗi ngày. Nạp quá nhiều muối có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn, vì vậy đừng tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết. Ngoài ra, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước, đặc biệt nếu bạn bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận… nhé
Uống nhiều nước hoặc chất điện giải khi vận động nhiều
Bạn thuộc tuýp người thường đổ mồ hôi nhiều khi vận động, tập thể thao ? Vậy đây là cách mà bạn cần lưu ý.
Đổ mồ hôi quá nhiều, làm cơ thể mất nước có thể gây hạ natri máu. Những thức uống chứa hỗn hợp các chất dinh dưỡng như đường, chất điện giải và nước, có thể giúp bạn đối phó với tình trạng này. Hãy chăm uống nước khi vận động nhiều nhé.
Chú ý về lượng nước nạp vào cơ thể
Như ở trên có đề cập, nước giúp điều nồng độ natri trong máu. Do đó, nếu dung nạp nước quá nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Một mẹo chăm sóc sức khoẻ đơn giản ở đây hãy chú ý màu nước tiểu và cảm giác khát của bạn. Nếu nước tiểu màu vàng nhạt, bạn có thể yên tâm là cơ thể đang được nạp đủ nước.
Giải quyết các tình trạng bệnh lý khác
Một số bệnh như bệnh thận, suy tuyến thượng thận… có thể khiến bạn bị hạ natri máu. Vậy cách tốt nhất, trong trường hợp bạn đang mắc các chứng bệnh trên là hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để điều trị ngay nhé.