Bánh trung thu là một trong những món bánh không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng tám. Bánh có nhiều hương vị khác nhau từ thập cẩm đến đậu xanh, … Ngoài việc mua bánh ngoài hàng, bạn có thể tự mình học cách làm bánh trung thu thập cẩm đơn giản tại nhà. Hãy cùng Sống Việt Nam tìm hiểu về công thức làm món bánh này nhé.
Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
Tết Trung thu là một trong những dịp lễ lớn của các nước Đông Á và Đông Nam A, trong đó có Việt Nam. Ngày Tết này rơi vào 15 tháng 8 âm lịch, là thời điểm trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết thiếu nhi, Tết trông trăng, Tết hoa đăng, Tết đoàn viên,…
Mỗi năm, chúng ta sẽ chuẩn bị những mâm cỗ lớn dâng lên bàn thờ nhằm bày to lòng thành kính và biết ơn đến tổ tiên. Mâm cỗ có thể là các món mặn, chay hoặc đơn giản chỉ là hoa quả và bánh trung thu.
Ý nghĩa đặc biệt của bánh trung thu
Không đơn thuần là một món bánh mang hương vị ngọt ngoài, bánh trung thu còn được biết đến với ý nghĩa tốt đẹp như: thể hiện sự sung túc, viên mãn, món quà nhằm gửi gắm lòng biết ơn đến ông bà, bố mẹ, những người thân yêu, …
Tại Việt Nam, có 2 loại bánh trung thu phổ biến đó là:
- Bánh nướng: Bánh có màu vàng nâu đẹp mắt với nhiều loại nhân khác nhau như: thập cẩm, trứng muối, đậu xanh hạt sen… Hương vị đậm đà của bánh nướng tượng trưng cho sự sum họp, đầy đủ, ấm áp của gia đình.
- Bánh dẻo: Loại bánh này có lớp vỏ ngoài dẻo, màu trắng và thơm hương hoa bưởi. Phần nhân bánh có vị ngọt thanh, bao gồm nhân đậu xanh và hạt sen tượng trưng cho sự ngọt ngào, thanh khiết.
Xem thêm:
- Bánh bột lọc làm từ bột gì? Cách làm bánh bột lọc ngon, đơn giản tại nhà
- Bánh chuối hấp bao nhiêu calo? Cách làm bánh chuối hấp ngon
- Công thức làm khoai lang kén với bột mì thơm ngon không phải ai cũng biết
Cách làm bánh trung thu thập cẩm
Nguyên liệu làm Bánh trung thu thập cẩm
- Bột mì đa dụng: 300 gr (bột mì số 11)
- Bột bánh dẻo: 10 gr
- Lạp xưởng: 100 gr (đã luộc chín và cắt hạt lựu)
- Hạt dưa: 100 gr (tách vỏ)
- Hạt điều: 100 gr
- Hạt sen: 100 gr
- Mứt bí: 100 gr
- Mứt vỏ cam: 100 gr
- Mứt vỏ chanh: 100 gr
- Mứt gừng: 100 gr
- Mè trắng: 100 gr
- Chanh: 1/2 quả
- Rượu mai quế lộ: 50 ml
- Nước hoa bưởi: 1 muỗng cà phê
- Nước tro tàu: 1 muỗng cà phê
- Trứng gà: 2 quả
- Dầu mè: 20 ml
- Dầu ăn: 110 ml
- Đường: 500 gr
- Muối: 1 muỗng cà phê
Cách chế biến Bánh trung thu thập cẩm
Bước 1: Nấu nước đường
- Đầu tiên, bạn bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 300ml nước, 500gr đường, 1/2 nước cốt chanh.
- Tiếp theo, tiến hành đun sôi hỗn hợp trên lửa vừa (không nên khuấy) đến khi nước đường tan hết. Khi nước đường sôi, các bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục nấu thêm khoảng 60 phút nữa rồi tắt bếp và để nguội.
Bước 2: Làm nhân bánh
- Chuẩn bị 1 cái tô lớn rồi cho: 100gr hạt dưa tách vỏ, 100gr hạt điều, 100gr mè trắng vào và trộn đều. Sau đó, các bạn sấy khô hạt bằng lò vi sóng trong vòng 4 phút.
- Tiếp tục cho vào tô các nguyên liệu gồm: 100gr hạt sen, 100gr mứt bí, 100gr mứt vỏ chanh, 100gr mứt vỏ cam, 100gr mứt gừng, 100gr lạp xưởng luộc chín cắt hạt lựu, 1 muỗng cafe nước hoa bưởi, 50ml rượu mai quế lộ, 20ml dầu mè, 10gr bột bánh dẻo và 1 muỗng cafe muối.
- Tiến hành trộn đều đến khi hỗn hợp để nhân bánh được hòa quyện hoàn toàn.
Bước 3: Làm vỏ bánh
- Bạn chuẩn bị một tô mới rồi cho vào tô 300gr bột mì, 200ml nước đường đã nấu, 80ml dầu ăn, 1 muỗng cafe nước tro tàu. Dùng đũa trộn đều đến khi nào thấy nguyên liệu kết dính với nhau.
- Tiếp đó, bạn mang gang tay và tiến hành nhào bột đến tạo thành khối đồng nhất, dẻo mịn, không dính tay là đạt.
Bước 4: Tạo hình cho bánh
- Chia bột vỏ bánh và nhân bánh thành 10 phần bằng nhau rồi tiến hành vo tròn.
- Tiếp theo sử dụng cây cán mỏng bột vỏ bánh, cho nhân vào giữa, túm kín mép bột lại rồi vo tròn.
- Cuối cùng, bạn cho bánh vào khuôn ấn thật chặt để tạo hình. Làm tương tự như vậy đến khi hết phần vỏ bánh, nhân bánh còn lại.
Bước 5: Nướng bánh
- Làm nóng lò nướng thủy tinh với nhiệt độ 200 độ C trong vòng 10 phút.
- Xếp bánh vào lò và nướng trong vòng 10 phút ở nhiệt độ 200 độ C. Sau đó, các bạn tiến hành mở lò, xịt phun sương nước lọc lên mặt bánh rồi để nguội.
- Khuấy tan 2 quả trứng gà cùng 2 muỗng canh dầu ăn, kế đến lọc hỗn hợp qua rây và phết đều lên mặt bánh. Tiếp tục nướng bánh thêm 10 phút nữa ở 200 độ C là hoàn tất.
- Khi bánh chín bạn nhẹ tay lấy bánh ra và để nguội. Cuối cùng, cắt bánh ra cho vừa ăn và thưởng thức thôi.
Bước 6: Thành phẩm
Bánh trung thu thập cẩm đã hoàn thành rồi. Bạn có thể thấy lớp vỏ bánh bên ngoài vàng nâu, đẹp mắt, ăn vào mềm tan, beo béo hòa quyện cùng với nhân thập cẩm giòn ngọt, bùi bùi thơm ngon.
Phía bên trên, Sống Việt Nam đã chia sẻ cách làm bánh trung thu thập cẩm đơn giản tại nhà. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích đối với các bạn trong việc làm bếp của mình. Còn chần chờ gì nữa mà không vào bếp, trổ tài nấu nướng và chiêu đãi cả nhà một bữa no nê nhé.