Du lịch Châu Đốc thì nên đi những đâu?

Châu Đốc, một thành phố nhỏ gần biên giới Campuchia với bề dày hàng trăm năm lịch sử, nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh huyền bí, những cánh đồng lúa bát ngát và những người dân chân chất, thật thà. Là một trong hai thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, Châu Đốc tọa lạc tại một vị trí khá đặc biệt, trước mặt là ngã ba sông – nơi giao thoa kinh tế giữa các vùng và sau lưng là dãy thất sơn hùng vĩ – với địa hình núi đá nổi lên giữa đồng bằng màu mỡ, trù phú cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hữu tình. 

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Nhắc đến Châu Đốc, người ta không thể không nhớ đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tọa dưới chân núi. Với nhiều câu chuyện tâm linh hấp dẫn và đầy ma mị, được người dân địa phương truyền miệng qua nhiều thế hệ. Ngôi Miếu thể hiện rõ văn hóa thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Người dân Châu Đốc tự hào khi có một lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam – được tổ chức hằng năm vào tháng 4 âm lịch.

Công trình Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn nghệ thuật đặc sắc với nhiều nét chạm trổ tinh tế, công phu và những bức hoành phi vàng son, càng làm tăng thêm sự cổ kính, tôn nghiêm.

Châu Đốc

Chùa Tây An

Một trong những ngôi chùa là điểm dừng chân không thể thiếu trong lịch trình của khách du lịch thập phương là chùa Tây An hay còn được biết đến với tên gọi là Tây An Cổ Tự. Có nhiều giải thích đưa ra cho cái tên “Tây An”. Có người cho rằng nguồn gốc của cái tên này là vì chùa nằm ở phía Tây thành An Giang, một số khác lại cho rằng Tây An được đặt theo các yếu tố tạo nên chùa từ Trấn Tây, Tây Thành được xây dựng tại An Giang. Có ý kiến lại cho rằng tên chùa được đặt ra để cầu an cho vùng đất phía tây nam của tổ quốc. 

Ngôi chùa Phật giáo thuộc Bắc Tông, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được xác lập kỷ lục Việt Nam là ngôi chùa có kiến trúc xây dựng hòa quyện giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ. 

Du lịch về vùng thất sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa Tây An được xây dựng ở ngay sát chân núi với khuôn viên thoáng rộng.

Châu Đốc

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Gắn liền với hai địa điểm kể trên, không thể thiếu đi Lăng Thoại Ngọc Hầu – người có côn gkhai phá vùng đất linh thiêng này. Lăng được xây dựng trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, dối diện với Miếu Bà Chúa Xứ. Lăng Thoại Ngọc Hầu hay còn được biết đến là Sơn Lăng – một công trình kiến trúc nguyên vẹn, hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam.

Ở giữa trong khuôn viên lăng chính là mộ của ông Thoại Ngọc Hầu, bên phải là mộ của bà chính thất Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế còn bên trái là một ngôi mộ có phần khiêm nhường hơn của bà thứ thất Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt. Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký.  Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Nếu dự định du lịch An Giang đến Châu Đốc, bạn đừng quên tìm đến nơi này.

Châu Đốc

Chùa Hang

Ngôi chùa cách Miếu Bà khoảng 1km này cũng là địa điểm được khách vang lai lui đến tấp nập. Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền Tự với truyền thuyết về đôi mãng xà tinh to lớn bất thường được người dân truyền miệng nhau. Hiện tại, tượng của đôi mãng xà này cũng được xây dựng trong chùa. Người ta kể lại rằng, xưa có đôi mãng xà to lớn trên núi Sam, người dân trong vùng không dám lui tới nhưng cho đến khi sư cô Diệu Thiện đến dựng am để tu hành, ngày ngày tụng kinh, dần dần người ta không còn thấy hai con rắn này nữa.

Với lối kiến trúc đặc biệt cùng màu nâu đỏ làm tone chủ đạo, những mái ngói được xây dựng theo hình mũi thuyền cong vút, tạo càng làm tăng sự độc đáo của lối kiến trúc chùa Hang. Ghé thăm chùa Hang, bạn sẽ cảm thấy như đi qua cánh cửa mở ra một thế giới mới để trút bỏ mọi vấn vương bụi trần, hòa mình vào không gian trong lành và êm dịu như chốn bồng lai. 

Châu Đốc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *